Sau cú sốc quá lớn do đại dịch Covid-19 gây ra vào năm 2020, ngành khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương đang cho thấy những dấu hiệu phục hồi khi các chiến lược tiêm chủng được triển khai rộng rãi và nhu cầu đi du lịch tăng trở lại. Tuy vậy, các nhà điều hành khách sạn đều thừa nhận rằng sẽ phải thực hiện những bước đi mới nếu muốn khôi phục kinh doanh trong một thị trường đã thay đổi.
Bức tranh tổng thể
Châu Á - Thái Bình Dương là một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới thực hiện những biện pháp tích cực và mạnh mẽ để chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, do tốc độ tiêm chủng khác nhau, khi các khu vực của Hoa Kỳ và châu Âu đang bắt đầu mở cửa trở lại thì nhiều thị trường tại châu Á vẫn nói không với hoạt động du lịch. Nhưng bất chấp các thách thức, những nhà điều hành khách sạn vẫn lạc quan khi nói về triển vọng phục hồi của khu vực.
Khushru Siganporia, Giám đốc Công nghệ Thông tin của The Indian Hotels Company, nhà điều hành một chuỗi khách sạn với các thương hiệu nổi tiếng bao gồm cả Taj Hotels, cho biết: “Với tỷ lệ người dân được tiêm chủng tăng cao và kỳ vọng làn sóng dịch bệnh tiếp theo không xảy ra, các kỳ nghỉ cuối tuần và thậm chí là trong tuần sẽ dần trở lại”.
Những chuyên gia khác thì thừa nhận rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy họ đổi mới tư duy, tìm kiếm những phương thức để khôi phục hoạt động và tạo ra lợi nhuận lớn hơn trong tương lai.
Ahmed Disokey, Phó Chủ tịch Công nghệ Thông tin của AccorInvest, công ty bất động sản trực thuộc tập đoàn khách sạn AccorHotels, cho biết: “Bất chấp tất cả những thách thức mà Covid-19 tạo ra, nó cũng cho chúng ta rất nhiều cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn và khác biệt hơn”.
Các công ty trong lĩnh vực khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương đang chấp nhận sự thay đổi về mặt kinh doanh và công nghệ do đại dịch để nắm bắt những xu hướng sẽ diễn ra trong tương lai sau đây.
Doanh thu ngoài lưu trú
Môi trường kinh doanh của năm 2020 đã tạo ra động lực để các nhà điều hành khách sạn xem xét lại quan điểm về lợi nhuận và tìm kiếm cách thức đa dạng hóa doanh thu mới. Để bù đắp doanh thu lưu trú bị mất đi do đại dịch, nhiều khách sạn đã đưa ra chiến lược mới để khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ khác.
Có tới 39% giám đốc điều hành khách sạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho rằng hoạt động lưu trú vẫn mang lại doanh thu cốt lõi cho khách sạn. Tuy vậy, phần đông đều tỏ ra hào hứng với triển vọng mở rộng doanh thu ngoài lưu trú.
83% người được hỏi cho biết khách sạn của họ đang làm mới nguồn thu. Có tới 75% người kỳ vọng các loại doanh thu ngoài lưu trú sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong vòng 5 năm tới. Họ cho biết đang tích cực cung cấp những lựa chọn lưu trú dài ngày, các dịch vụ nghỉ dưỡng trọn gói, phục vụ đồ ăn mang đi và thử nghiệm các mô hình mới trong suốt một năm vừa qua.
Disokey của AccorInvest cho biết: “Chúng ta cần tìm ra một mô hình kinh doanh mới. Chúng ta có thể giao hàng không? Chúng ta có thể giao đồ ăn cho khách hàng tại phòng hoặc nhà của họ không? Chúng ta có thể cung cấp các gói nghỉ dưỡng mới mẻ và và sáng tạo hướng đến người dân địa phương thay vì phụ thuộc vào khách du lịch hay không?”.
Cho thuê ngắn hạn
Khi thoát khỏi đại dịch, các nhà lãnh đạo ngành khách sạn cũng cần tìm cách tạo sự khác biệt để tăng tính cạnh tranh với các mô hình mới như cho thuê ngắn hạn gắn với các căn hộ độc lập, vốn đã tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2020.
Tuy nhiên, cho thuê ngắn hạn tại châu Á - Thái Bình Dương chưa tạo được tác động mạnh mẽ đến khách hàng như tại Bắc Mỹ, Mỹ Latinh hoặc châu Âu. Chỉ có 54% khách du lịch tới châu Á - Thái Bình Dương cho biết họ sẽ thuê các căn hộ độc lập thay vì khách sạn cho kỳ nghỉ.
Syed Irfan, Giám đốc của Great Southern Hotel Group có trụ sở tại Sydney cho biết: “Hầu hết những người thuê các căn hộ từ Airbnb đều là khách quốc tế. Nhưng do Covid-19, khách quốc tế không xuất hiện, vì vậy nhu cầu thuê ngắn hạn ở thời điểm hiện tại chưa nhiều”.
Điều này có thể giúp giải thích một phần lý do tại sao các giám đốc điều hành ở Châu Á - Thái Bình Dương ít tập trung vào việc phát triển các sản phẩm mới để cạnh tranh với cho thuê ngắn hạn như tại các khu vực khác.
Cải thiện công nghệ
Đại dịch đã tạo ra thời gian nghỉ cần thiết để các khách sạn phát triển hệ thống công nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu mới của khách hàng và thúc đẩy hiệu quả kinh doanh trong tương lai.
Động lực đổi mới công nghệ ở châu Á - Thái Bình Dương phần lớn đến từ nhu cầu của các vị khách trong khu vực. Trong đó, 43% người được hỏi muốn có các lựa chọn tự phục vụ khi nhận phòng, 38% bày tỏ sự quan tâm đến công nghệ nhắn tin dành cho khách. Ngoài ra, 54% muốn có thêm các dịch vụ không tiếp xúc (như thanh toán).
Điều này phù hợp với quan điểm của các giám đốc điều hành trong khu vực, những người luôn phải xác định cần ưu tiên đầu tư vào đâu và như thế nào khi doanh thu vẫn đang giảm dần.
Siganporia cho biết: “Đầu tư vào CNTT bị cắt giảm, vì vậy chúng tôi chỉ đầu tư cho những nhu cầu thực sự cần thiết hoặc bắt buộc. Chúng tôi đã đầu tư vào công nghệ không tiếp xúc cho cả khách hàng và nhân viên để đảm bảo môi trường an toàn cho tất cả mọi người”.
Trong cuộc khảo sát gần đây, 72% giám đốc điều hành khách sạn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết đang nghiên cứu các cải tiến công nghệ mới cho hoạt động tiếp thị và kinh doanh.
Thay đổi cách thức vận hành
Các phần trước mô tả những chiến lược mà các khách sạn đang làm để tăng doanh thu, tái định vị, cạnh tranh với cho thuê ngắn hạn và cải tiến công nghệ. Nhưng để thực hiện những chiến lược này, các khách sạn sẽ cần phải xem xét kỹ hơn cách thức để vận hành bất động sản một cách hiệu quả và sinh lợi nhất.
Trong đó, một khía cạnh được quan tâm đặc biệt là phát triển chương trình khách hàng thân thiết để làm tăng nhu cầu và doanh thu. Với những hạn chế hiện tại ở một số nơi trong khu vực (đặc biệt là Úc) và khả năng xuất hiện nhiều bong bóng du lịch hơn khi mối đe dọa từ Covid tan biến dần, các nhà điều hành sẽ phải triển khai nhiều hoạt động sáng tạo hơn để giữ chân khách hàng thân thiết và thu hút thêm khách hàng mới.