Các chuỗi khách sạn từ Hilton - tập đoàn khách sạn lớn thứ hai thế giới - đến Shangri-La của tỷ phú Robert Kuok đều đang đẩy nhanh kế hoạch mở rộng khắp châu Á. Họ tin tưởng vào sự phục hồi của thị trường này sau đại dịch khi các quốc gia trong khu vực dần mở cửa trở lại với du khách quốc tế.
Mở rộng tầm ảnh hưởng
Tập đoàn khách sạn Hilton đang tích cực tăng cường sự hiện diện tại châu Á, với kế hoạch tăng hơn gấp đôi số phòng khách sạn trong vài năm tới. Nhà điều hành này đã khai trương 100 khách sạn mới tại châu Á trong năm 2021, nâng tổng số phòng từ 20.000 lên hơn 120.000 tại 523 khách sạn. Trong đó, Trung Quốc đại lục chiếm đến 400 khách sạn.
Christopher Nassetta, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hilton, phát biểu trong lễ khai trương Hilton Singapore Orchard: “Tất cả các phân khúc khách sạn tại châu Á – Thái Bình Dương đều đang phục hồi nhanh chóng”. Hilton Singapore Orchard hiện là khách sạn lớn nhất của Hilton tại châu Á - Thái Bình Dương với hơn 1.000 phòng.
Hilton Singapore Orchard
Trong khi đó, tập đoàn Pan Pacific có trụ sở tại Singapore, một nhánh thuộc UOL Group do tài phiệt ngân hàng và bất động sản Wee Cho Yaw làm chủ, sẽ bổ sung thêm hơn 4.000 phòng tại 18 khách sạn được xây mới và cải tạo trong vài năm tới. Pan Pacific hiện đang sở hữu và quản lý 39 bất động sản với gần 12.500 phòng ở châu Á, châu Đại Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.
Khách sạn là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 khi các chính phủ trên toàn thế giới áp đặt nhiều hạn chế đi lại suốt 2 năm qua để ngăn ngừa sự lây lan. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Pan Pacific Choe Peng Sum tin rằng nhu cầu du lịch bị dồn nén sẽ thúc đẩy quá trình hồi phục của thị trường.
Accor cũng đã thông báo kế hoạch khai trương hơn 170 khách sạn mới với trên 41.000 phòng tại Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Maldives từ nay đến năm 2026. Năm ngoái, nhà điều hành này đã mở 14 khách sạn mới với gần 3.000 phòng tại Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc và Thái Lan.
Garth Simmons, Giám đốc điều hành Accor tại khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, cho biết: “Kể từ đầu năm 2022, chúng tôi nhận thấy số lượng đặt phòng tại Đông Nam Á đã phục hồi mạnh mẽ. Những quốc gia mở cửa trở lại sớm như Cambodia, Singapore và Maldives đang tạo ra niềm tin cho cả thị trường trong khu vực và thế giới. Các hạn chế được nới lỏng giúp giảm đáng kể chi phí du lịch”.
Không muốn nằm ngoài cuộc đua, tập đoàn Shangri-La của Hồng Kông đang nỗ lực phát triển nguồn cung phòng khách sạn lớn hơn với hàng loạt dự án khách sạn và phức hợp tại Australia, Trung Quốc, Cambodia và Nhật Bản trong các năm sắp tới.
Cũng với niềm tin rằng ngành du lịch sẽ phục hồi sau đà sụt giảm suốt 2 năm qua vì đại dịch, tập đoàn Dusit Thani có trụ sở tại Bangkok đang bổ sung thêm hơn 8.800 phòng thuộc 52 khách sạn mới trong khu vực.
Thu hút đầu tư thế giới
Sự hồi sinh mạnh mẽ của ngành khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trên toàn cầu. Giá trị đầu tư vào mảng khách sạn tại đây đã tăng 46% lên 12,1 tỷ USD vào năm 2021, theo báo cáo được công bố vào tháng 3 của CBRE. Công ty nghiên cứu này kỳ vọng các khu nghỉ dưỡng sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư đáng kể trong nửa cuối năm nay, trong bối cảnh công suất thuê và lượng khách được dự báo sẽ sớm phục hồi hoàn toàn.
Khu vực Đông Nam Á lâu nay vốn là điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng với những bờ cát trắng, công trình kiến trúc lịch sử và khí hậu ấm áp. Theo công ty lữ hành ForwardKeys, lượng đặt vé máy bay quốc tế tại đây vào cuối tháng 3 bằng 38% so với trước đại dịch, vượt xa so với tỷ lệ 10% của đầu năm nay. Trong đó, Singapore và Philippines dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng. Tại Việt Nam, dữ liệu của Trip.com cho thấy lượng đặt phòng khách sạn nội địa vào tháng 04/2022 tăng 247% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một báo cáo gần đây của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) dự đoán rằng lượng khách quốc tế đến châu Á sẽ tăng 100% trong giai đoạn 2022 - 2023, khi nhu cầu đạt đỉnh trước khi trở lại mức tăng trưởng bình thường hơn theo thời gian.
“Khách sạn là một trong những lĩnh vực hưởng lợi lớn khi các quốc gia trong khu vực mở cửa trở lại”, Steve Carroll, người đứng đầu bộ phận khách sạn tại các thị trường vốn chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, cho biết. “Lĩnh vực này mang lại lợi suất hấp dẫn tùy theo khẩu vị rủi ro cũng như cơ hội tái định vị bất động sản sản cho những nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao”.
Tương lai hứa hẹn
Bên cạnh những triển vọng, các nhà điều hành khách sạn đều cho rằng cần chuẩn bị để thích nghi với những thay đổi về cơ cấu khách quốc tế đến châu Á trong thế giới hậu đại dịch.
Trung Quốc từng là thị trường khách lớn nhất của châu Á, nhưng giờ đây nhóm khách này đang bị mắc kẹt trong nước do các quy định phòng dịch nghiêm ngặt của chính phủ. Nhật Bản vẫn đóng cửa với khách du lịch và chỉ có một số lượng nhỏ người Nhật đến Đông Nam Á. Trong khi đó, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang khiến thị trường châu Á thiếu vắng khách Nga.
Shangri-La Quiantan Shanghai
Giám đốc điều hành tập đoàn Shangri-La, Lim Beng Chee cho biết vào tháng 03/2022: “Du lịch đang phục hồi trên toàn thế giới. Chúng tôi lạc quan nhưng vẫn thận trọng. Bên cạnh những biến động không lường trước, chúng tôi luôn sẵn sàng nắm bắt các cơ hội phát triển kinh doanh”.
Theo ForwardKeys, một phần ba du khách đến Đông Nam Á trong tháng 04/2022 là từ các nước châu Âu, tăng từ 22% vào năm 2019. Đồng thời, số lượng khách đến từ Bắc Mỹ đã tăng hơn gấp đôi lên 21%, từ 9% vào tháng 04/2019. Khách du lịch đến từ châu Á chỉ chiếm 24%, so với 57% của năm 2019.
Đặc biệt, phân khúc du lịch hạng sang đang dẫn đầu đà phục hồi trên toàn thế giới và châu Á cũng không ngoại lệ.
“Mọi người đều ngạc nhiên về tốc độ phục hồi của du lịch hạng sang, bởi các dự báo trước đây đều cho rằng phân khúc này sẽ suy giảm”, Giám đốc điều hành Keith Barr của tập đoàn khách sạn InterContinental Hotels & Resorts cho biết.
Chủ tịch tập đoàn du lịch Rajah Travel có trụ sở Philippines, Aileen Clemente, nói rằng “du lịch kết hợp công việc và du lịch hạng sang đang phát triển mạnh mẽ hơn cả”, mặc dù “tốc độ phục hồi không giống nhau ở mọi nơi trên thế giới”.
Công ty dữ liệu STR dự báo phân khúc du lịch hạng sang tại châu Á tiếp tục thúc đẩy đà tăng giá nói chung của toàn thị trường. Lạm phát chi phí có thể là một thách thức chung, nhưng điều này có thể được bù đắp bằng tăng trưởng của giá phòng và việc vận hành khách sạn hiệu quả để giảm thiểu chi phí. Việc giảm bớt các hạn chế sẽ thúc đẩy đà trở lại của du lịch nghỉ dưỡng, trong khi du lịch công vụ được tiếp sức bởi nhu cầu gia tăng khi kinh tế phục hồi.
Ông Chris Nassetta, trong khi đó, cho rằng có hai điều khiến nhu cầu về du lịch và phòng khách sạn luôn ở mức cao: khoản tiết kiệm gia tăng của khách du lịch và tình hình tài chính được cải thiện của các công ty.
“Khách nghỉ dưỡng và công vụ đã mất 2 năm không thể tổ chức các cuộc gặp gỡ và sự kiện cần thiết. Họ có sẵn ngân sách tích lũy trong đại dịch để giải quyết nhu cầu bị dồn nén này”.
Nhiều giám đốc điều hành khách sạn khác cũng đồng ý rằng giá khách sạn sẽ tăng lên bất chấp lạm phát cao và kinh tế suy thoái.
Trong đó, ông Keith Barr dự báo nhu cầu sử dụng khách sạn sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm với việc du lịch được bình thường hóa hơn sau đại dịch. Điều này sẽ đẩy giá phòng khách sạn lên cao hơn nữa khi tính đến các chi phí phát sinh do lạm phát cao.