Ý tưởng chi hàng triệu đô la vào một mảnh đất không có thực nghe thật điên rồ. Nhưng những dự báo gây sốt về tương lai của công nghệ VR đang thúc đẩy các nhà đầu tư chấp nhận đặt cược lớn vào thị trường bất động sản ảo.
Thêm “hot” nhờ công quảng cáo của Facebook
Tuần này, công ty Republic Realm có trụ sở tại New York thông báo họ đã chi 4,3 triệu đô la cho một mảnh đất ảo trên The Sandbox, một metaverse nơi mà mọi người có thể giao lưu, chơi trò chơi và thậm chí tham gia các buổi hòa nhạc.
Thương vụ nóng “bỏng tay” này được thực hiện sau khi nền tảng đối thủ là Decentraland, phát triển bởi công ty tiền ảo Tokens.com của Canada, bán trót lọt một mảnh đất trị giá 2,4 triệu đô la vào cuối tháng 11. Vài ngày sau đó, Barbados còn công bố kế hoạch đặt một “đại sứ quán ảo” trên Decentraland.
“Metaverse” là một từ phổ biến ở Thung lũng Silicon trong nhiều tháng qua, nhưng sự quan tâm của công chúng chỉ thực sự tăng vọt vào tháng 10 sau khi công ty mẹ của Facebook đổi tên thành "Meta" và tuyên bố chuyển trọng tâm sang công nghệ thực tế ảo (VR).
Cathy Hackl, một nhà tư vấn công nghệ cho các công ty tham gia metaverse cho biết: “Facebook đã giới thiệu thuật ngữ “metaverse” cho hàng triệu người nhanh hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng”.
Theo trang dữ liệu tiền ảo Dapp, 4 metaverse lớn nhất hiện nay là The Sandbox, Decentraland, CryptoVoxels và Somnium Space đã bán được các mảnh đất với tổng giá trị hơn 100 triệu đô la chỉ trong vòng một tuần qua.
Đối với Hackl, không có gì ngạc nhiên khi thị trường đang bùng nổ, tạo ra cả một hệ sinh thái xung quanh bất động sản ảo, từ tiền thuê đất cho đến các nhà phát triển, khi mọi người thay đổi cách hiểu hàng hóa từ thế giới thực sang thế giới ảo.
Và trong khi chờ sự thay đổi lớn hơn cả về nhận thức của khách hàng và công nghệ của các metaverse, bất động sản ảo đã hoạt động như một tài sản thực, nơi người chủ sở hữu có thể xây dựng các công trình, cho thuê và chuyển nhượng cho người khác.
“Đại lộ thứ 5” trong tương lai của ngành bán lẻ
Tokens.com đã mua một lô đất ảo có vị trí đắc địa thuộc khu phố trung tâm Fashion Street của Decentraland, với hy vọng sẽ phát triển nó thành điểm đến cho các cửa hàng ảo của các thương hiệu xa xỉ. Tokens tin rằng khu vực thời thượng này trên metaverse sẽ thu hút lượng khách thăm quan rất cao, tương tự như “Đại lộ thứ 5” của New York.
Lý do là bởi vì nơi đây bao gồm không gian quảng cáo và tổ chức sự kiện, hấp dẫn nhiều du khách. Một lễ hội âm nhạc ảo được tổ chức gần đây trên Decentraland đã thu hút tới 50.000 người xem. Một số thương hiệu thời trang xa xỉ đã mạo hiểm tham gia vào lĩnh vực mới mẻ này. Một chiếc túi xách Gucci đã được bán trên nền tảng dRoblox vào tháng 5 với giá cao hơn phiên bản thật.
Các mảnh đất ảo có thể kiếm tiền đơn giản thông qua việc đặt một bảng quảng cáo về sản phẩm, hoặc thiết lập hẳn một cửa hàng với nhân viên chăm sóc khách hàng chu đáo. Đó sẽ là nguồn thu đáng kể cho chủ sở hữu mảnh đất ảo, tương tự như trong thế giới thực.
Những biến động khó lường
Trong các metaverse như Decentraland, mọi thứ từ đất đai đến tác phẩm nghệ thuật ảo đều ở dạng mã hóa hoặc NFT. Một số người đã chi hàng chục nghìn đô la cho những mặt hàng ảo trên, và xu hướng này được dự báo sẽ phổ biến trong những năm tới nhờ sự minh bạch của công nghệ blockchain. Theo đó, khi mua một bất động sản ảo, khách hàng có thể xem lịch sử quyền sở hữu, giá bán trước đó và cách thức chuyển giao.
Nhưng việc đầu tư vào bất động sản ảo không phải là không có rủi ro, đặc biệt là do sự biến động của các loại tiền ảo được sử dụng để mua NFT.
Ở khía cạnh khác, dù các buổi hòa nhạc ảo trên các nền tảng như Roblox và Fortnite đã thu hút hàng chục triệu người xem, thì lưu lượng truy cập vào các metaverse như Decentraland vẫn kém xa so với các mạng xã hội truyền thống như Facebook và Instagram. Bởi xét đến cùng, giá trị của các bất động sản ảo hoàn toàn phụ thuộc vào việc người dùng có tìm đến địa điểm đó hay không.