Rubix-navigation

Thứ Sáu, ngày 29 tháng 03 năm 2024
Hà Nội:
TP HCM:
Đà Nẵng:
Singapore:
Phnom Penh:
Jakarta:
Vientian
Kuala Lumpur:
Yangon:
Manila:
Bangkok:
AUD-VND:
USD-VND:
GBP-VND:
JPY-VND:
THB-VND:
SGD-VND:
KRW-VND:
MYR-VND:
EUR-VND:
Dow Jones:
S&P 500:
FTSE 100:
DAX:
CAC 40:
NIKKEI 225:
Hang Seng:
VN:
en vi
Mới nhất

Tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch và nghỉ dưỡng Việt Nam trong năm 2023

Rubix Navigation
07 tháng 04 năm 2023, 12:23 GMT + 7
  • Thị trường nội địa đang thay đổi với sự quan tâm nhiều hơn đến du lịch sức khỏe và sinh thái.
  • Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với du lịch inbound của Việt Nam, và Ấn Độ đang dần trở thành một thị trường nguồn mới sở hữu nhiều tiềm năng to lớn.
  • Du lịch MICE tiếp tục đóng một vai trò quan trọng và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở các điểm đến đã có tên tuổi của Việt Nam.

“Muốn khai thác trọn vẹn tiềm năng thị trường trong hành trình hướng đến phát triển bền vững, các nhà phát triển tại Việt Nam cần nghiên cứu kỹ các xu hướng thị trường để xác định mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu của thế hệ du khách mới”. Đó là chia sẻ của ông Reno Mueller, Đồng sáng lập & Tổng Giám Đốc của Rubix International, với Travel+.

Ông Reno Mueller, Đồng sáng lập & Tổng Giám Đốc của Rubix International

Ông nhận định thế nào về thị trường du lịch và nghỉ dưỡng Việt Nam trong những năm gần đây?

 Trong 5 năm vừa qua, thị trường du lịch và nghỉ dưỡng Việt Nam đã trải qua ba giai đoạn rõ rệt.

Giai đoạn thứ nhất chứng kiến sự tăng trưởng, gồm cả mảng du lịch trong nước và quốc tế, và đạt đỉnh vào năm 2019 khi Việt Nam đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế và đứng thứ 4 về lượng khách quốc tế trong khu vực ASEAN.

Giai đoạn thứ hai, bắt đầu từ đầu năm 2020 và kéo dài trong khoảng 18 tháng, là thời kỳ mà thị trường gần như tê liệt, chủ yếu do đại dịch Covid-19 với các hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới và yêu cầu kiểm dịch. Một số lượng lớn khách sạn và cơ sở du lịch đã phải đóng cửa trong giai đoạn này, thậm chí nhiều nơi sau đó đã ngừng hoạt động.

Giai đoạn thứ ba kéo dài suốt 18 tháng qua, bắt đầu từ đầu năm 2022, có thể coi là giai đoạn tái thiết của thị trường. Sự khác biệt rõ rệt nhất diễn ra ở thị trường nội địa với tốc độ phục hồi về gần mức trước đại dịch và những khách hàng đủ khả năng tài chính tăng mức chi tiêu tại các khu nghỉ dưỡng cao cấp để bù đắp cho những kỳ nghỉ đã bỏ lỡ. Thời gian lưu trú tại một điểm đến của họ cũng lâu hơn, vì du khách vẫn cảm thấy mệt mỏi với việc di chuyển giữa các nơi và muốn tận hưởng tối đa kỳ nghỉ của mình.

Ngược lại, các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng và công vụ từ khách quốc tế chỉ mới bắt đầu hồi phục. Đối với thị trường này, Việt Nam có thể phát huy lợi thế là một điểm đến phổ biến tại châu Á có được từ trước đại dịch, từ đó thực hiện các chiến dịch quảng bá nhắm đến các thị trường nguồn chọn lọc, nơi Việt Nam có vị thế cao, để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động inbound.

Một trong những kết quả lớn nhất của giai đoạn tái thiết này là việc các hãng hàng không, công ty lữ hành và khách sạn ngày càng đưa ra nhiều chính sách linh hoạt hơn cho du khách. Khi du khách đã quen với điều này, các bên tham gia thị trường nên tiếp tục cung cấp các gói dịch vụ và điều khoản thanh toán linh hoạt để kích cầu nhiều hơn nữa trong năm nay.

InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort

Theo ông, ngành du lịch và nghỉ dưỡng đang có vị thế ra sao tại Việt Nam?

 Ngành du lịch đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam ở nhiều mức độ liên kết, có thể được coi như một chuỗi giá trị xuyên suốt vòng đời của vô số dự án khách sạn hoặc du lịch riêng lẻ mà cũng là các bộ phận cấu thành nên ngành này.

Du lịch đóng góp khoảng 11% GDP của Việt Nam với tiềm năng tăng trưởng lên tới 18% hoặc thậm chí cao hơn. Khi bắt đầu phát triển một dự án khách sạn hoặc du lịch mới, rất nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, vật liệu trong nước, đồ nội thất, trang thiết bị và nhiều ngành nghề đa dạng khác cũng được thúc đẩy. Ở giai đoạn vận hành, ngành du lịch tạo ra nhiều cơ hội việc làm trong nước, từ đó trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là tại khu vực nông thôn. Hoạt động du lịch cũng thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ như nông nghiệp, giao thông vận tải, điều hành du lịch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe, đồng thời đóng góp đáng kể vào sự phát triển môi trường bền vững của Việt Nam.

Tầm quan trọng của ngành du lịch không chỉ xuất phát từ khía cạnh kinh tế mà còn ở cả khía cạnh nhận thức, vì ngành này đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng hình ảnh tích cực về đất nước Việt Nam. Cụ thể, ngành du lịch hoạt động như một chất xúc tác và tác nhân hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, không chỉ vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn vào nhiều ngành liên quan khác. Các bên tham gia thị trường du lịch đều hiểu rõ hầu hết các vấn đề trên, tuy nhiên ở cấp độ chính sách, sự hiểu biết này lại thường rời rạc và ngắt quãng.

Cách tiếp cận tổng thể để kết nối các chức năng hành chính khác nhau như nhập cảnh, giao thông vận tải, giáo dục, văn hóa, du lịch, khách sạn, xây dựng và các lĩnh vực liên quan thường chưa nhất quán, phân mảnh hoặc thiếu tính liên tục về dài hạn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã nhận thấy có những thay đổi to lớn và một nền tảng vững chắc dựa trên nhiều khung chính sách khác nhau đang hiện hữu. Sự phát triển và cải thiện hơn nữa của những khung chính sách này sẽ là điều kiện cần thiết cho sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của ngành du lịch Việt Nam.

Amanoi Resort Ninh Thuan

Ông dự báo Việt Nam sẽ chứng kiến xu hướng du lịch và nghỉ dưỡng nào trong năm 2023?

Nhìn chung, chúng tôi nhận thấy ngành này đang có những bước phát triển mới về ba khía cạnh.

Đầu tiên, thị trường nội địa đang thay đổi với sự quan tâm nhiều hơn đến du lịch sức khỏe và sinh thái, cùng với đó là sự tăng trưởng của hình thức du lịch cá nhân (tự túc) được thúc đẩy bởi hệ thống đường bộ phát triển trên cả nước. Cả hai xu hướng này đều có mối liên hệ với nhau. Các hoạt động du lịch cá nhân trái ngược với du lịch theo nhóm, chúng ngày càng được ưa chuộng bởi nhiều gia đình trẻ độc lập hơn về kinh tế, muốn chuyến đi kéo dài hơn và đa dạng hơn về điểm đến. Ngoài ra, du lịch tự túc bằng ô tô cũng cho phép họ có những hành trình linh hoạt hơn thay vì theo mùa du lịch và lịch trình cố định.

Sự thay đổi về thói quen và hành vi này dẫn đến mối quan tâm về du lịch sức khỏe và sinh thái, bắt nguồn từ những lo ngại về sức khỏe dai dẳng do đại dịch khiến nhiều du khách muốn tránh các điểm đến đông người và đánh giá lại các lựa chọn về phong cách sống của chính mình.

Họ cũng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề môi trường và ủng hộ mạnh mẽ du lịch sinh thái, do những quan ngại về sự thay đổi khí hậu trên toàn cầu cùng các trải nghiệm cá nhân và tập thể sau các giai đoạn phong tỏa như thiếu không gian xanh, hạn chế di chuyển, và các trở ngại khác đối với một lối sống lành mạnh.

Thứ hai, nhiều thị trường nguồn mới đang xuất hiện. Trong khi Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng đối với du lịch inbound của Việt Nam, chúng tôi tin rằng Ấn Độ đang dần trở thành một thị trường nguồn mới sở hữu nhiều tiềm năng to lớn. Dù không phải là một thị trường hoàn toàn mới, cơ cấu khách Ấn Độ hiện nay đang khác hẳn so với trước đại dịch với sự chuyển hướng mạnh mẽ từ khách đoàn sang khách lẻ và gia đình có mức chi tiêu cao hơn cho lưu trú, ẩm thực và giải trí.Điều này trái ngược với khách Trung Quốc, những người sẽ tiếp tục đi theo nhóm do việc sắp xếp lịch trình thường mang tính tập trung và dựa trên một mức chi tiêu nhất định.

Các thị trường nguồn ngày càng quan trọng khác của Việt Nam là Thái Lan, Campuchia và Lào. Du khách từ những nước láng giềng này được hưởng lợi nhờ hệ thống đường bộ hiện đại, đặc biệt là ở khu vực miền Trung với sự gia tăng mạnh mẽ của các nhóm du lịch đến Phong Nha Kẻ Bảng và các điểm đến khác của Quảng Bình hay các tỉnh lân cận.

Cùng với việc đón đầu các thị trường nguồn mới và chuẩn bị ứng phó với việc du khách Trung Quốc tạm thời vắng mặt, Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để khơi dậy các thị trường khu vực khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, vì đây là chìa khóa cho sự phát triển chất lượng dài hạn hơn của ngành du lịch Việt Nam.

Thứ ba, các sản phẩm du lịch mới đang dần xuất hiện và phát triển. Du lịch MICE chắc chắn sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng và tăng trưởng hơn nữa, nhưng chúng tôi cho rằng điều này sẽ chỉ xảy ra ở các điểm đến đã có tên tuổi của Việt Nam, chẳng hạn như Đà Nẵng. Trong khi đó, các điểm đến ít danh tiếng hơn có thể đạt được thành công nhiều hơn nếu biết tận dụng lợi thế cụ thể về vị trí và điều chỉnh dịch vụ du lịch một cách phù hợp.

Một sản phẩm du lịch tương đối mới khác là Đám cưới Quốc tế, cung cấp các dịch vụ trọn gói bao gồm du lịch, lưu trú, tổ chức tiệc cưới, cũng như các hoạt động giải trí và thăm quan phù hợp với từng thị trường khách cụ thể. Loại hình du lịch này mang tính chuyên môn cao và có nhiều tiềm năng tại một số điểm đến sở hữu cơ sở hạ tầng du lịch phát triển ở Việt Nam, đặc biệt là Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng. Điều đáng chú ý là dịch vụ Đám cưới Quốc tế hiện đang có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường nguồn mới của Việt Nam là Ấn Độ. Do vậy, chúng ta có thể kỳ vọng vào sự phát triển mạnh mẽ của cả hai hướng đi này trong những năm tới.

Fusion Suites Vung Tau

Các doanh nghiệp du lịch và nghỉ dưỡng tại Việt Nam cần lưu ý điều gì để phát triển xa hơn trong điều kiện “bình thường mới”?

 Về cơ bản, cho đến nay, các nhà phát triển và điều hành khách sạn và cơ sở du lịch tại Việt Nam đã làm được nhiều điều nếu xét đến doanh thu du lịch ấn tượng từ năm 2019 trở về trước. Vì vậy, không nên làm mới quá nhiều, thay vào đó cần xem xét lại kỹ càng các chiến lược đã thành công và triển khai chúng một lần nữa. Điều này đặc biệt đúng nếu xét đến các khía cạnh về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn dịch vụ cao và sự cống hiến mạnh mẽ cho ngành du lịch, tất cả đều phải dựa trên một lực lượng lao động được đào tạo bài bản và giàu động lực.

Do đó, các doanh nghiệp du lịch nên tiếp tục cung cấp những khóa đào tạo chất lượng dành cho nhân viên, đồng thời tạo điều kiện để cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống vì điều này đang ngày càng trở thành một tiêu chí quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài.

Như đã nói, Việt Nam cần tiến hành một số điều chỉnh và thích ứng khi vận hành du lịch và nghỉ dưỡng để phù hợp với các thị trường nguồn mới và đang phát triển, cũng như những thay đổi về thói quen du lịch của khách nội địa. Ví dụ, các nhà điều hành khách sạn và doanh nghiệp du lịch nên đưa ra các gói dịch vụ riêng biệt đối với khách đoàn Trung Quốc, thường trái ngược về mặt nhu cầu với khách gia đình Ấn Độ, nhờ đó hưởng lợi từ những cơ hội tuyệt vời đang có và thúc đẩy doanh thu mà cả hai thị trường nguồn này mang lại.

 

 Ông Reno Mueller là Đồng sáng lập & Tổng Giám Đốc của Rubix International, công ty tư vấn chiến lược chuyên nghiệp trên ba lĩnh vực đặc thù có tính tương tác chặt chẽ: Dịch Vụ Khách Sạn, Giải Pháp Bất Động Sản và Dịch Vụ Doanh Nghiệp. Ông Reno có hơn 10 năm làm việc tại các khách sạn độc lập và các tập đoàn khách sạn quốc tế như IHG, Marriot và Four Seasons. Sau đó, ông tiếp tục đóng góp sâu hơn vào lĩnh vực Bất động sản Thương mại ở Cambodia, Myanmar và Việt Nam trong suốt 16 năm qua.

 

Theo Travel+ số tháng 03/2023

X
Bình luận của bạn:
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.