Hai năm sau khi du lịch ở Đông Nam Á bị gián đoạn do đại dịch, du khách đang quay trở lại khi các quy định nhập cảnh và kiểm dịch được dỡ bỏ. Tuy nhiên, quá trình phục hồi đang diễn ra rất chậm chạp và một số trung tâm du lịch của Đông Nam Á đang mất dần vị thế.
Phục hồi chậm chạp và không đồng đều
Theo công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, lượng đặt vé của các hãng hàng không quốc tế đến Đông Nam Á vào cuối tháng 3 chỉ bằng 38% so với trước đại dịch. Vào đầu năm nay, tỷ lệ này còn thấp hơn 10% so với năm 2019. Trong đó, Singapore và Philippines dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng.
Bộ trưởng Du lịch Philippines, ông Bernadette Romulo-Puyat, cho biết: “Philippines là quốc gia đầu tiên trong khu vực dỡ bỏ các quy định. Khách du lịch hài lòng vì họ được tự do đi lại”.
Cả hai quốc gia này hiện chỉ yêu cầu khách du lịch đã tiêm vắc-xin thực hiện xét nghiệm nhanh trước khi đến. Trong khi đó, những quy định kiểm dịch phức tạp của Thái Lan đang khiến thị trường này bị tụt hậu.
Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy lượng đặt vé đến Singapore và Philippines lần lượt ở mức 72% và 65% so với năm 2019, trong khi Thái Lan chỉ đạt 24%.
Bà Marisa Sukosol Nunbhakdi, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Thái Lan, cho biết: “Xét nghiệm PCR có giá tới 60 - 75 USD. Khách du lịch có thể tốn rất nhiều tiền, đặc biệt là khách đoàn. Điều này khiến họ ngần ngại khi tới Thái Lan. Họ sẽ chọn các điểm đến không có quy định nhập cảnh để bớt phiền phức và tốn kém”.
Số lượt vé máy bay đặt trước là một chỉ báo cho thị trường du lịch trong tương lai và số liệu về lượt vé cũng bao gồm cả du khách nội địa. Brendan Sobie, một nhà phân tích hàng không độc lập, cho biết Singapore và Philippines có thị trường du lịch nội địa mạnh hơn so với Thái Lan. Tuy nhiên, về tổng thể, du lịch châu Á đang phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác, bao gồm châu Âu - nơi đã nới lỏng các hạn chế từ nhiều tháng trước.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế cho biết, lưu lượng nội địa và quốc tế trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm nay sẽ chỉ tương đương với 68% của năm 2019 và chỉ phục hồi về mức trước đại dịch vào năm 2025, chậm hơn một năm so với phần còn lại của thế giới.
Du khách đến Singapore đã tăng gần bốn lần trong tháng Hai so với một năm trước đó, khi chính quyền hạn chế nhập cảnh. Nhưng con số này chỉ bằng 9% lượng khách vào tháng 2 năm 2020 và bao gồm một lượng lớn người có thị thực lao động từ Malaysia và Ấn Độ.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Singapore cho biết ngành du lịch nước này chỉ phục hồi hoàn toàn vào năm 2026. Năm 2019, du lịch chiếm khoảng 12% GDP của Singapore.
Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, ngành du lịch và lữ hành ở Đông Nam Á - nổi tiếng với những bãi biển cát trắng, kiến trúc lịch sử và khí hậu ấm áp - đã đóng góp 380,6 tỷ USD vào GDP toàn khu vực trong năm 2019, tương đương với 11,8%.
Không có khách du lịch Trung Quốc
Thành phần khách du lịch quốc tế đến Đông Nam Á cũng đã thay đổi. Trung Quốc từng là thị trường lớn nhất tại đây, còn hiện nay, du khách nước này bị mắc kẹt ở nhà do chính sách phong tỏa nghiêm ngặt của chính quyền.
Hơn một phần tư trong số 40 triệu khách du lịch đã đến Thái Lan vào năm 2019 là người Trung Quốc. Năm nay, dự kiến sẽ có từ 5 triệu đến 10 triệu lượt khách quốc tế đến Thái Lan từ Malaysia và các nước láng giềng Đông Nam Á khác.
Nhật Bản, quốc gia vẫn đóng cửa với khách du lịch, chỉ có một lượng nhỏ du khách đến Đông Nam Á. Trong khi đó, cuộc chiến Nga - Ukraine khiến số lượt khách Nga đến khu vực này gần như bằng 0.
Theo ForwardKeys, một phần ba số khách du lịch đến Đông Nam Á trong năm nay là từ châu Âu, tăng từ mức 22% vào năm 2019. Du khách đến từ Bắc Mỹ đã tăng hơn gấp đôi so với năm 2019, từ 9% lên 21%. Trong khi đó, khách du lịch châu Á chỉ chiếm 24%, thấp hơn nhiều so với 57% vào năm 2019.
Vẫn nhiều triển vọng
“Mọi thứ đã thay đổi theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều trong tháng trước”, Rabil Lian, hướng dẫn viên du lịch của một công ty hàng đầu của Singapore, cho biết.
Lian, 51 tuổi, đã hướng dẫn năm đoàn khách tới châu Âu trong vòng bốn tháng qua. Anh cho biết Úc đang trở thành một điểm đến ưa thích của du khách, nhưng có nhiều người cũng đang chờ Nhật Bản và Đài Loan nới lỏng các quy định.
Tại Việt Nam, khách du lịch nước ngoài tăng gần gấp đôi trong quý đầu năm 2022 so với một năm trước đó. Quốc gia này đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế chỉ trong tháng trước. Tuy nhiên, Việt Nam dự kiến chỉ thu hút hơn một phần tư lượng khách quốc tế của 2019.
Justin Ong, một nhà báo người Singapore, cho biết: “Các điểm đến nổi tiếng vẫn duy trì sức hấp dẫn nhất định nhờ nhu cầu nội địa mạnh mẽ và không bị ảnh hưởng nặng nề khi du lịch quốc tế đóng băng suốt 2 năm qua”.