Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động du lịch trên toàn cầu do các chính phủ áp đặt lệnh cấm và hạn chế đi lại tại từng quốc gia. Hoạt động du lịch chỉ dần trở lại khi các chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi hơn. Tuy vậy, các yếu tố quyết định tâm lý du khách trong thế giới sau đại dịch sẽ hình thành những xu hướng mới mà các bên liên quan trong ngành cần lưu ý.
Du lịch hậu đại dịch
Mặc dù những hạn chế đáng kể vẫn được áp dụng, nhưng các đại lý du lịch đã xúc tiến hoạt động thường xuyên hơn sau khi có vắc-xin phòng Covid-19. Theo báo cáo, việc đặt tour đang tăng lên khi người dân lạc quan hơn về việc dịch bệnh sẽ dần được kiểm soát.
Tuy nhiên, các hạn chế đi lại do Covid-19 vẫn sẽ làm phức tạp việc tổ chức các kỳ nghỉ trong tương lai gần, ví dụ như yêu cầu du khách phải được tiêm chủng trước khi đến một địa điểm nào đó. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cả du lịch nước ngoài và trong nước. Bên cạnh đó, nhiều người mất việc làm và giảm thu nhập do đại dịch cũng thắt chặt các chi tiêu không cần thiết, bao gồm cả du lịch.
Những thách thức này sẽ tác động mạnh mẽ đến quyết định của du khách khi lựa chọn một kỳ nghỉ, nhất là điểm đến. Du khách cũng sẽ thận trọng khi đi du lịch và đặt ra tiêu chuẩn khắt khe hơn với các dịch vụ như lưu trú và ăn uống. Để theo kịp, ngành du lịch cần ưu tiên cung cấp các dịch vụ, cơ sở vật chất và trải nghiệm liên quan đến chăm sóc sức khỏe với các tiêu chuẩn vệ sinh cao hơn trước đây.
Các xu hướng như du lịch sức khỏe, du lịch chữa lành, du lịch tâm linh và tôn giáo được dự báo sẽ trở nên phổ biến hơn. Nhờ đại dịch, các nhu cầu về cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần hay các phương pháp chữa lành xa xỉ đang được quan tâm hơn bao giờ hết.
Du lịch hướng đến con người
Do các nhu cầu kể trên, du lịch hậu Covid-19 được kỳ vọng sẽ tập trung nhiều hơn vào con người hơn là điểm đến. Những người bị cô lập bởi các biện pháp giãn cách xã hội trong thời gian dài sẽ quan tâm tới các kỳ nghỉ giúp thắt chặt quan hệ với người thân đang sống ở nước ngoài hoặc tìm kiếm những cuộc gặp gỡ mới mẻ. Do đó, các loại hình du lịch phổ biến có thể bao gồm du lịch thăm thân, du lịch tình nguyện và du lịch vì hòa bình.
Du lịch tình nguyện là hình thức kết hợp du lịch và tình nguyện, thường diễn ra tại một điểm đến ở nước ngoài. Mặc dù một số người vẫn băn khoăn về đóng góp của loại hình này cho các nước đang phát triển và các cộng đồng kém may mắn, du lịch tình nguyện vẫn tạo ra những hoạt động nhân đạo có giá trị. Do đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế tại các nước đang phát triển, hoạt động tình nguyện hiệu quả của du khách cũng là điều vô cùng cần thiết.
Trong khi đó, du lịch vì hòa bình gồm các chuyến đi tới những điểm đến cụ thể để nghiên cứu và tham khảo về cách một nền hòa bình tại một quốc gia hay điểm đến được gìn giữ, phát triển và tôn vinh. Các hoạt động có thể bao gồm đến thăm các đài tưởng niệm hòa bình hoặc các khu vực từng diễn ra xung đột để rút ra bài học từ những sai lầm của các cuộc chiến tranh trong quá khứ và giúp giải quyết hoặc ngăn chặn xung đột hiện có.
Đó có thể là một chuyến thăm quan học tập tại Đài tưởng niệm Bức tường Berlin và Công viên Hòa bình Hiroshima. Đó cũng có thể là tham dự các hội thảo và hội nghị giữa các chuyên gia giải quyết xung đột hoặc đăng ký một cuộc đi bộ hòa bình để tìm hiểu sâu hơn về lịch sử tại những nơi đi qua. Chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật hòa bình nổi tiếng, tham gia các cuộc triển lãm theo chủ đề hòa bình hay các lễ hội liên quan cũng được coi là du lịch vì hòa bình.
Nếu muốn sớm khôi phục và tạo được dấu ấn mạnh mẽ trong thế giới hậu Covid-19, ngành du lịch cần ưu tiên mang lại những trải nghiệm chất lượng, giá cả phải chăng và đặt khách hàng lên hàng đầu, thay vì chỉ quảng bá các điểm đến cụ thể theo cách trước đây. Nếu làm như vậy thì bất chấp đang phải đối mặt với những thách thức do các hạn chế về đi lại hay giãn cách xã hội mới chỉ dần được gỡ bỏ, ngành du lịch vẫn có triển vọng tươi sáng và sẽ trở lại một cách nhanh chóng.