Làm việc từ xa tạm thời do dịch bệnh có thể sẽ trở thành một xu hướng trong tương lai, nhưng đến một lúc nào đó, nhân viên sẽ quay lại văn phòng như thời điểm trước đại dịch. Tuy vậy, việc này có thể phải mất đến 5 năm, theo dự báo mới của Cushman & Wakefield.
Tòa nhà Lord & Taylor tại New York được Amazon mua lại vào tháng 03/2020
Các văn phòng trống trên toàn cầu sẽ không đạt tỷ lệ lấp đầy bằng với thời điểm trước Covid-19 cho đến tận năm 2025 và nói chung, khoảng 215 triệu feet vuông văn phòng sẽ bị bỏ trống do đại dịch, theo nghiên cứu của Cushman & Wakefield. Từ quý 2/2020 - khi Covid-19 tấn công nước Mỹ - đến quý 3/2021, 95 triệu feet vuông văn phòng sẽ không được hấp thụ, nhiều hơn khoảng 10 triệu feet vuông so với thời điểm đáy của cuộc khủng hoảng tài chính.
Hậu quả tồi tệ nhất sẽ diễn ra ở các quốc gia phương Tây. Trong cuộc khủng hoảng này, Canada, châu Âu và Hoa Kỳ có thể ghi nhận mức thiệt hại với tổng cộng 120,5 triệu feet vuông văn phòng bị bỏ trống. Theo phân tích của Cushman & Wakefield, nếu tính cả quý 2/2020, con số này sẽ là hơn 200 triệu feet vuông trong toàn chu kỳ của cuộc suy thoái do Covid-19.
Kevin Thorpe, nhà kinh tế trưởng của Cushman & Wakefield, nói: “Chúng tôi biết xu hướng làm việc tại nhà là một thực tế”.
Cushman & Wakefield đã khảo sát một số công ty lớn nhất trên thế giới về tương lai của văn phòng, và tiến hành đo lường tác động chu kỳ của cuộc suy thoái do Covid-19 cũng như tác động mang tính cấu trúc của dịch bệnh với giả định số lượng công việc làm tại nhà tăng cao hơn.
Thorpe cho biết hai phát hiện quan trọng đã xuất hiện. Thứ nhất, các nguyên tắc cơ bản về văn phòng cho thuê sẽ bị ảnh hưởng đáng kể và diện tích phòng trống sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại. Nhưng phát hiện thứ hai thì tích cực hơn: thị trường văn phòng sẽ phục hồi hoàn toàn, phần lớn là do tăng trưởng việc làm và sự thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Mỹ tập trung vào một số công việc chuyên môn.
Nhìn chung, công ty tư vấn này ước tính rằng 82% thiệt hại sẽ liên quan đến các yếu tố mang tính chu kỳ: mất việc làm tại văn phòng lâu dài và sự gia tăng của các không gian làm việc chung (co-working); trong khi 18% còn lại liên quan đến các yếu tố mang tính cấu trúc: chủ yếu là các giả định về các lao động làm việc từ xa thường xuyên và các lao động lai - những người thỉnh thoảng mới làm việc từ xa.
Các công việc tại nhà sẽ tăng gấp đôi và số lượng lao động sẽ lại tăng lên. Nghiên cứu ước tính rằng tỷ lệ những người làm việc lâu dài tại nhà ở Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tăng từ khoảng 5%-6% trước Covid-19 lên 10%-11% sau Covid-19, trong khi tỷ lệ lao động lai sẽ tăng khoảng 32%-36% và chiếm dưới một nửa tổng số lao động.
Giám đốc tài chính của Levi Strauss & Co., Harmit Singh gần đây cho biết họ đã ngừng việc thuê mới các bất động sản thương mại trong thời kỳ khủng hoảng. Ông nói: “Việc lầm tưởng rằng làm việc tại nhà không hiệu quả đã bị phá bỏ. Tôi tin rằng chúng ta sẽ hòa nhập vào một nền văn hóa nơi mà làm việc từ xa là tiêu chuẩn mới, và công việc được làm tại nhà hoặc tại văn phòng hoặc cả hai”.
Google cũng đã thông báo họ sẽ thử một mô hình làm việc “lai” vì hầu hết nhân viên của tập đoàn này không muốn ở văn phòng mỗi ngày.
Nhiều người lao động trẻ tuổi thì đang tận dụng sự thay đổi do làm việc từ xa để đi du lịch và chấp nhận lối sống “du mục kỹ thuật số” (digital nomadic), một sự thay đổi có thể trở thành vĩnh viễn đối với một thế hệ lao động mới.
Theo thời gian, khi nền kinh tế chuyển sang hướng dựa vào tri thức và các dịch vụ mang tính chuyên môn, nó sẽ tạo thêm thuận lợi cho xu hướng sử dụng lao động linh hoạt, nghiên cứu của Cushman & Wakefield kết luận. Thorpe nói: “Nhưng trong thời gian tới, sẽ có những thách thức đáng kể đối với lĩnh vực văn phòng”.
Nhiều nhân sự vẫn không cảm thấy đủ an toàn để trở lại văn phòng. Một nghiên cứu cho thấy chỉ 14% người lao động nói rằng họ tin tưởng các CEO và quản lý cấp cao sẽ dẫn dắt họ trở lại làm việc một cách an toàn. Tỷ lệ trống văn phòng toàn cầu sẽ tăng từ 10,9% trước cuộc khủng hoảng tiền Covid lên 15,6% vào quý 2/2022, nghiên cứu này dự báo.
Tuy nhiên, một số công ty lớn nhất trên thế giới lại có những động thái mở rộng không gian văn phòng tại các thành phố lớn, chẳng hạn như New York, trong thời kỳ khủng hoảng.
Facebook, công ty đã mua lại bất động sản ở New York trong nhiều năm, vào tháng trước đã xác nhận thuê toàn bộ tòa nhà bưu điện James A. Farley ở Manhattan. Còn vào tháng 3 vừa qua, ngay khi cuộc khủng hoảng Covid-19 xảy ra ở Hoa Kỳ, Amazon đã chi hơn 1 tỷ USD để mua lại tòa nhà Lord & Taylor ở New York có diện tích hơn 600.000 feet vuông.