Báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Pháp luật diễn ra trong hai ngày 25-26/03/2019, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019 đối với 10 dự luật, dự thảo nghị quyết; trong đó, rút dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai và lùi đến sau năm 2020. Điều này là rất đáng tiếc bởi phải rất khó khăn Quốc hội mới đồng ý sắp xếp sửa Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật của năm nay.
Chính phủ đề nghị điều chỉnh chương trình năm 2019 lùi đến sau năm 2020
Từ cuối năm 2017, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai và đến tháng 06/2018, được Quốc hội đồng ý cho thực hiện vào năm 2019. Theo đó, dự án luật sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019), thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019). Việc sửa đổi này được cho là cần thiết để tạo động lực mới cho sự phát triển và phù hợp với tình hình thực tế, khi xem xét đồng bộ nhiều vấn đề lớn nhằm giải quyết 3 mục tiêu cơ bản là quản lý chặt chẽ tài nguyên đất; nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực tài chính từ đất đai cho phát triển; giải quyết hiệu quả vấn đề khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai.
Nhưng trên thực tế, việc sửa đổi Luật Đất đai không hề đơn giản bởi gặp phải những vấn đề hết sức nhạy cảm và phức tạp như nội dung liên quan đến đất cơ sở tôn giáo; người nước ngoài mua nhà ở gắn liền với đất ở; quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, kinh tế đất, tích tụ tập trung đất đai; căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng, nhà ở khách sạn... Thực tế, vào tháng 6/2018, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong đó cũng chưa đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung ngay Luật Đất đai mà giao Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo kịp thời việc sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về đất đai.
Luật Đất đai của Việt Nam đã qua 5 lần sửa đổi
Với đề nghị này của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhìn nhận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai có những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu kỹ càng. Tuy không thể đưa ngay vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án luật. Còn Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì đề nghị Chính phủ cân nhắc làm rõ một số vấn đề và cố gắng thực hiện theo hướng xin lùi thời gian trình, chứ không nên theo hướng rút khỏi chương trình.
Luật Đất đai của Việt Nam đã qua 5 lần sửa đổi. Luật đầu tiên được ban hành cách đây đã hơn ba thập kỷ, có hiệu lực từ ngày 08/01/1988 với sáu chương, 57 điều. Luật này sau đó được thay thế bởi Luật Đất đai 1993 ban hành ngày 14/07/1993 với bảy chương, 89 điều và có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Năm 2003, luật lại được sửa đổi, bổ sung với bảy chương, 146 điều. Lần sửa đổi tiếp theo vào năm 2013, có hiệu lực từ ngày 01/07/2014. |