Ngày 13/10/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức ““Hội nghị góp ý quy hoạch phân khu xây dựng Khu Du lịch Sinh thái Bạch Mã” với sự góp mặt của nhiều lãnh đạo bộ ngành Trung ương, các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị của Vườn Quốc gia Bạch Mã, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nhằm thu hút các nhà đầu tư kinh doanh và phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái.
Hội nghị tập trung lấy ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia về việc khôi phục các biệt thự cổ, xây dựng hệ thống cáp treo, xây dựng trung tâm hành chính dịch vụ; đồng thời làm rõ sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã; xác định quy mô, số lượng khách phục vụ của khu vực lập quy hoạch; và đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, khả năng đáp ứng tổng số lượng khách theo quy hoạch…
Được thành lập ngày 15/07/1991, Bạch Mã là Vườn Quốc gia có diện tích lớn nhất cả nước với trên 37.487 héc-ta (nằm trên địa bàn hai tỉnh Thừa Thiên Huế và Quảng Nam). Là một trong số bảy khu vực bảo tồn tự nhiên quan trọng nhất tại Việt Nam, Vườn Quốc gia Bạch Mã có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái như cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên, di tích… Song trong nhiều năm nay, do giao thông khó khăn, dịch vụ chưa tốt và cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, Bạch Mã vẫn chưa khai thác được những tiềm năng du lịch sẵn có. TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc Vườn Quốc gia Bạch Mã cho biết, lượng khách trung bình hiện tại của Bạch Mã rất thấp, chỉ khoảng 15.000 - 16.000 khách/năm, doanh thu du lịch khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Vườn Quốc gia Bạch Mã
Về tổng thể, Bạch Mã sẽ là khu trung tâm du lịch sinh thái – tâm linh – nghỉ dưỡng quan trọng của vườn Quốc gia Bạch Mã và tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây sẽ là điểm đến lý tưởng của khách du lịch nội địa và khách quốc tế, cung cấp các dịch vụ tham quan, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của địa phương, trên cơ sở tôn trọng các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa sẵn có với chỉ tiêu mật độ xây dựng không vượt quá 20%. Trong đó, đất thương mại dịch vụ chiếm 1.8%, đất du lịch văn hóa chiếm khoảng 0.9%, khách sạn nghỉ dưỡng chiếm khoảng 6% và cảnh quan thiên nhiên nhiếm 82%. Dự kiến, Khu Du lịch sinh thái Bạch Mã sẽ tiếp nhận khoảng một triệu khách mỗi năm, trong đó khách lưu trú chiếm 30%.
Cụ thể, quy mô phân khu xây dựng Khu Du lịch Sinh thái Bạch Mã sẽ khoảng 387,8 héc-ta, bao gồm hai khu. Khu A được thiết kế là khu vực trạm cơ sở và hạ tầng giao thông có diện tích khoảng 97,8 héc-ta, bao gồm ba phân khu: Tuyến giao thông tiếp cận đến dự án có điểm đầu tuyến từ ngã ba giao cắt Quốc lộ 1A đến điểm cuối tuyến là trạm cơ sở khu vực Khe Su; trạm cơ sở khu vực Khe Su với diện tích nghiên cứu khoảng 64,1 héc-ta, là nơi đón tiếp khách du lịch và nơi đặt nhà ga cáp treo; tuyến cáp treo du lịch đi từ trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B) có chiều dài dự kiến 4km với hành lang bảo vệ khoảng 26m. Khu B chính là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã, phạm vi diện tích nghiên cứu khoảng 290 héc-ta, với các chức năng chính là đón tiếp, hội thảo, triển lãm, dịch vụ thương mại (lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, giải khát...); các không gian hoạt động ngoài trời (phố đi bộ, tuyến thăm quan, tuyến hành hương, lễ hội, tín ngưỡng tâm linh, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên); hành chính, điều hành (nhà điều hành, nhà nhân viên...) và chức năng phụ trợ kỹ thuật (trạm điện, trạm nước, khu tập kết rác thải). Phân khu chức năng khu B bao gồm: khu làng du lịch đỉnh núi, khu làng du lịch di sản, khu làng trung tâm, khu du lịch tâm linh, khu dịch vụ phụ trợ, khu làng du lịch thung lũng thác nước, khu cảnh quan tự nhiên.
Một trong những điểm nhấn của Khu Du lịch Sinh thái Bạch Mã là hệ thống cáp treo sử dụng công nghệ tuần hoàn đơn, kẹp nhả tự động, bao gồm hai tuyến: tuyến một từ khu vực trạm cơ sở (khu A) lên đỉnh Bạch Mã (khu B); tuyến hai đi từ ga đỉnh Bạch Mã (cao 1.395m) đến ga cuối ở khu vực Ngũ Hồ (cao 1.140m).