Không phải tới thời điểm hiện tại khi thông tin được quy hoạch lên quận được công bố thì Đông Anh mới "lên cơn sốt đất". Thực tế là ngay từ giai đoạn 2015 - 2016, khi hàng loạt công trình hạ tầng lớn như cầu Nhật Tân, cầu Đông Trù, hay nhà ga T2 của Cảng Hàng không Quốc Nội Bài được xây dựng và đi vào hoạt động, huyện ngoại thành này đã chứng kiến những cơn sốt đất từ nhẹ tới nặng. Không chỉ vậy, nhiều dự án lớn ra mắt và khởi công tại đây như dự án Thành phố thông minh tại Hải Bối, Vĩnh Ngọc; dự án công viên Kim Quy tại Ngọc Chi, Vĩnh Ngọc; dự án Khu công nghệ thông tin tập trung; dự án Trung tâm triển lãm quốc gia... cũng góp phần "nâng hạng" giá đất đai và bất động sản tại Đông Anh. Sau một thời gian ngắn chững lại thì đến cuối năm 2018 vừa qua, giá đất tiếp tục tăng mạnh sau thông tin Đông Anh được phát triển thành một quận của Hà Nội vào năm 2020.
Theo khảo sát thị trường ở thời điểm hiện tại, đất tại thị trấn Đông Anh có giá khoảng 100-120 triệu đồng/m2, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn ở khu vực Tiên Dương khoảng 30-35 triệu đồng/m2. Một số vị trí đất nền, biệt thự, nhà liền kề ở khu Thanh Trì đang được chào bán từ 26-55 triệu đồng/m2, có nơi tăng gấp đôi so với đầu năm ngoái. Trong khi đó, giá đất tại nhiều con ngõ rộng dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất ở mức 30 triệu đồng/m2. Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất Đông Anh giai đoạn 2008.
Giá đất tại huyện Đông Anh đang lên cơn sốt trở lại
Theo ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, giá đất trên địa bàn tăng cao chủ yếu do các tổ chức môi giới bất động sản, "cò" đất thổi giá. Cụ thể, các giao dịch đất tại đây chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu tư với nhau, còn nhu cầu mua ở thực không có nhiều.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhận định giá đất tăng đột biến tại huyện Đông Anh là bất hợp lý, bởi bất động sản chỉ tăng theo tỉ lệ thuận với thực tế đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân.
"Việc các công ty môi giới, "cò" đất đẩy giá cao như thế rất dễ dẫn đến tình trạng "vỡ bóng bóng", người mua sau cùng (chủ yếu là người dân) khó tránh khỏi thiệt hại", ông Đính cho biết thêm.
Vị chuyên gia này còn nhấn mạnh mức giá bất động sản “đón đầu quy hoạch” thường không đảm bảo tính chắc chắn và khuyến cáo người mua, nhà đầu tư cần xem xét kỹ quy hoạch hạ tầng, chú trọng tính pháp lý, quy hoạch phát triển toàn vùng trước khi mua, bán.