Tại báo cáo "Tình hình thị trường bất động sản năm 2018 và kiến nghị các giải pháp để thị trường phát triển minh bạch, ổn định, bền vững" công bố ngày 23/12, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định, giải phóng mặt bằng đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất trên thị trường bất động sản và cũng là một nguyên nhân làm sụt giảm số lượng các dự án nhà ở.
Điều 62 Luật Đất đai quy định Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, trong đó có dự án khu đô thị mới, dự án chỉnh trang đô thị, dự án khu dân cư nông thôn, dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội... Tổ chức phát triển quỹ đất (Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở Tài nguyên & Môi trường) thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tạo lập quỹ đất phục vụ đầu tư phát triển. Sau đó, tổ chức đấu giá đất để lựa chọn nhà đầu tư. Chênh lệch địa tô nộp vào ngân sách nhà nước để phục vụ lợi ích công cộng. Đây là phương thức tốt nhất vừa đảm bảo minh bạch, công bằng trong công tác giải phóng mặt bằng, hạn chế việc phát sinh khiếu kiện, kể cả khiếu kiện đông người.

Bài toán về giải phóng mặt bằng liệu có được giải trong năm 2019?
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả chủ trương này để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận quỹ đất đầu tư phát triển dự án. Đồng thời, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của người sử dụng đất trong khu vực dự án, trước hết là quyền được thỏa thuận bồi thường thỏa đáng và quyền được tái định cư tại khu vực dự án theo quy định của pháp luật, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.
Thực tế hiện nay, trên cả nước có đến hàng ngàn dự án treo, riêng Hà Nội có 383 dự án, TP.HCM có 211 dự án chậm triển khai, để hoang hoá. Nhiều chủ đầu tư đã sẵn sàng nguồn lực để phối hợp với chính quyền đẩy nhanh quá trình đô thị hoá, giải cứu những dự án treo gây lãng phí hàng chục năm, nhưng cuối cùng vẫn bị mắc kẹt ở khâu giải phóng mặt bằng. Hệ quả là, dự án không nộp được tiền sử dụng đất và điêu đứng vì không có mặt bằng sạch để thi công.
Một số nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ, đình trệ trong khâu giải phóng mặt bằng, theo nhiều chuyên gia, là do không thỏa thuận được với người dân; và phát sinh các chi phí như giá đất tăng, các loại thuế và các khoản dự phòng. Để giải quyết tình trạng này, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cần có sự phối hợp của các bên liên quan. Về phía chính quyền, ban giải phóng mặt bằng cần có tư duy tôn trọng, đối thoại trên cơ sở giải quyết nhu cầu của người dân trong khuôn khổ pháp luật cho phép bên cạnh việc giải quyết hài hoà lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người dân. Công tác tuyên truyền cần làm tốt để giải thích rõ những chủ trương chính sách và hành động của chính quyền. Về phía người dân, nên có tư duy tham khảo luật sư, tổ chức tư vấn về ngưỡng thương lượng có thể đạt được để có quyết định và thoả thuận hợp lý, thay vì cho rằng muốn giá bồi thường nào là được đáp ứng giá đó. Người dân cũng phải hiểu kỹ về những quy định pháp luật về mức giá bồi thường, hỗ trợ đền bù và tái định cư theo khung Nhà nước áp dụng công khai. Việc giải quyết hài hoà lợi ích khi giải phóng mặt bằng cũng giúp người dân sau di dời nhanh chóng ổn định cuộc sống và hạn chế tối đa những hành động quá khích sai luật dẫn đến hậu quả đáng tiếc.