Khách sạn sinh thái, khi sự xa xỉ gắn liền với tính bền vững
 
hách sạn sinh thái là mô hình kinh doanh lưu trú có trách nhiệm với môi trường, tuân thủ các nguyên tắc về thực hành sống xanh và được cấp chứng nhận bởi một đơn vị độc lập hoặc quốc gia sở tại. Loại hình bất động sản này thường nằm giữa thiên nhiên nhưng đôi khi lại tọa lạc ở những địa điểm ít “mang tính tự nhiên” hơn như thành phố; song trong cả hai trường hợp thì chủ đầu tư đều phân bổ một nguồn lực lớn cho việc hoàn thiện các tiêu chí xanh của công trình. 

Mô hình khách sạn sinh thái đã nhận được sự tán thưởng nhiệt liệt từ các nhà phát triển, các nhà điều hành và những du khách có tư tưởng hiện đại do nó thúc đẩy nhiều sáng kiến vì trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân địa phương bằng cách mang lại cho du khách những trải nghiệm nghỉ dưỡng chân thực và độc đáo. Nhiều khách sạn hiện nay không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ môi trường theo cách đơn thuần như giảm thiểu phát thải khí carbon, mà còn đa dạng các hoạt động mang tính bền vững trong suốt quá trình phát triển và vận hành khách sạn từ việc thiết kế nương theo tự nhiên, sử dụng vật liệu và cách thức xây dựng bền vững, tiết kiệm năng lượng, cho tới giới thiệu các loại thực phẩm hữu cơ tự trồng và các chương trình chăm sóc sức khỏe.

 

 Vườn hữu cơ ở Six Senses Qing Cheng Moutain

 
Ở quy mô toàn cầu, Marriott Hotels & Resort được ghi nhận bởi những cam kết giảm thiểu tiêu hao năng lượng và nguồn nước, trao quyền cho đối tác xây dựng các bất động sản xanh và giáo dục khách hàng tiết kiệm năng lượng trong thời gian lưu trú. Tại châu Á, ngành công nghiệp khách sạn đã bắt đầu áp dụng các thực hành xanh tích cực hơn kể từ khi chương trình “Sáng kiến vì môi trường trong lĩnh vực khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương” ra mắt vào năm 1994. Đi đầu xu hướng là các nhà điều hành khách sạn ở phân khúc xa xỉ và cao cấp như Shangri-La Hotels & Resorts, Mandarin Oriental Hotels và Okura Hotels & Resorts. Ở Đông Nam Á, trào lưu này tiếp tục nổi lên mạnh mẽ sau khi “Tiêu chuẩn Khách sạn Xanh tại ASEAN” được ban hành vào năm 2016, nhằm tôn vinh các khách sạn đảm bảo những tiêu chuẩn về thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.
 
Từ các chuỗi khách sạn đang theo đuổi xu hướng bền vững…

rên toàn châu Á, xu hướng này đang thu hút nhiều nhà điều hành danh tiếng của khu vực, tiên phong là Six Senses Hotels Resorts Spas và Banyan Tree Hotels & Resorts. Cả hai tập đoàn nói trên đều đã đưa các sáng kiến xanh trở thành một phần cốt lõi trong chiến lược phát triển của mình. 

Kể từ khi thành lập vào năm 1995, Six Senses đã hướng tới việc tạo ra những trải nghiệm sáng tạo và phong phú cho du khách, gắn liền với phát triển môi trường bền vững. Về mặt quản trị và cơ cấu, Six Senses có một đơn vị chuyên trách, đứng đầu là Phó Chủ tịch Phát triển Bền vững và bên dưới là đội ngũ Điều phối viên về các Vấn đề Môi trường và Xã hội ở cả trụ sở chính của tập đoàn và các khu nghỉ dưỡng, để thực hiện các chính sách xanh của tập đoàn và những sáng kiến ở cấp độ khu nghỉ dưỡng. Nhà điều hành này cũng đóng góp 0,5% doanh thu hàng năm cho Quỹ Trách nhiệm Xã hội và Môi trường, trong đó 60% là các dự án phát triển bền vững tại địa phương. Đồng thời, Six Senses giảm thiểu những tác động lên hệ sinh thái bằng chương trình tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng và tái chế, các chính sách mua hàng có trách nhiệm và sử dụng các loại thực phẩm hữu cơ được sản xuất tại địa phương; song song với thúc đẩy các thực hành du lịch bền vững thông qua chương trình du lịch cộng đồng kết hợp với bảo tồn di sản văn hóa và đa dạng sinh học cả trên đất liền và dưới nước. Đối với xây dựng bền vững, Six Senses sử dụng các nguyên vật liệu tái chế như gỗ, gạch không nung, bùn và cỏ tranh; từ chối phát triển khu vực câu cá và sân gôn vì cho rằng chúng hủy hoại môi trường, đặc biệt là sử dụng thuốc trừ sâu hoặc thuốc diệt cỏ để duy trì sân gôn.

  

Đồ dùng của Song Saa Private Islands là những đồ hữu cơ, có thể tái chế

 
Trong khi đó, Banyan Tree lại tiếp cận xu hướng bền vững bằng cách ngăn ngừa những tác động có thể lên môi trường trong quá trình vận hành khách sạn, và luôn tích cực tham gia bảo vệ cũng như khôi phục hệ sinh thái toàn cầu. Theo đó, tập đoàn này đã thực hiện các chương trình khôi phục loài vượn và trồng rừng ngập mặn ở Phuket, bảo vệ voi và tổ chức các sự kiện gây quỹ ở Bangkok, đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu và bảo tồn biển. Chương trình Hoạt động Bền vững dành cho Khách hàng của Banyan Tree được phát triển trên toàn hệ thống thông qua các ý tưởng sáng tạo như nấu ăn bằng năng lượng mặt trời tại các buổi triển lãm ẩm thực hoặc kết hợp với cộng đồng địa phương để làm sạch môi trường. Bên cạnh Quỹ Toàn cầu Banyan Tree, nhà điều hành này cũng hợp tác với EarthCheck để đánh giá và cấp chứng nhận xanh cho các khu nghỉ dưỡng, khởi động các chương trình làm việc vì sự phát triển bền vững của ngành khách sạn, và gắn nỗ lực của doanh nghiệp mình với Các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc. 

… cho đến các khách sạn đang áp dụng thực hành xanh

hững sáng kiến xanh đạt quy mô rộng hơn trên toàn ngành công nghiệp khách sạn khi nhiều bất động sản độc lập cũng tích hợp các thực hành bền vững vào chiến lược phát triển cốt lõi của mình. Trong đó, Song Saa Private Islands, một khu nghỉ dưỡng dành cho các khách hàng giàu có tại quần đảo Koh Rong, Cambodia, đã và đang thiết lập tiêu chuẩn cho các khu nghỉ dưỡng sinh thái xa xỉ trên khắp Đông Nam Á. Bắt nguồn từ ý tưởng bền vững, thiên đường nghỉ dưỡng này được xây dựng với gỗ, đồ trang trí tái chế và đồ nội thất tái sử dụng do các thợ thủ công địa phương thực hiện; đồng thời cam kết chặt chẽ đối với phát triển bền vững thông qua các dự án bảo vệ rạn san hô, môi trường biển và rừng nhiệt đới. Một ví dụ khác là Dami Lovina Villas ở Bali, Indonesia, đã giảm thiểu hiệu quả sự lãng phí nước và năng lượng cũng như triển khai thực hành canh tác bền vững. Khu nghỉ dưỡng này hợp tác với một trung tâm nghiên cứu ở địa phương cho ra đời các sản phẩm gia dụng và nông nghiệp an toàn với môi trường, sử dụng phương pháp canh tác bền vững để giảm tiêu thụ nước và tăng cường sức chống chịu của cây trồng, đồng thời dùng phân ủ thay cho phân bón hóa học. Những nỗ lực tái chế của khu nghỉ dưỡng Dami Lovina Villas giúp họ không cần phải gửi chất thải rắn đến chôn ở bãi rác nằm cách đó bảy giờ lái xe. Tương tự, song song với vận hành bền vững và các chương trình giáo dục về môi trường, El Nido Resort tỉnh Palawan, Philippines đã tích cực bảo vệ các khu vực sinh sống của loài sò tai tượng và hỗ trợ khôi phục loài vẹt đuôi dài đang có nguy cơ tiệt chủng.

 

 Khu nghỉ dưỡng El Nido

 
Hướng đi nào cho khách sạn sinh thái? 

rong hơn một thập kỷ qua, mô hình khách sạn sinh thái đã phát triển rộng khắp ngành công nghiệp toàn cầu và thúc đẩy triển khai các thực hành xanh một cách đa dạng ở nhiều khu vực đia lý khác nhau. Trong bối cảnh các vấn đề về môi trường ngày càng gia tăng trên toàn thế giới và đô thị hóa bùng nổ ở các nước đang phát triển, đặc biệt là châu Á, yêu cầu phát triển du lịch bền vững trở nên hết sức cấp thiết. Điều này đặt các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trước sự thúc ép của các chính sách từ chính phủ, yêu cầu của khách hàng và thị trường có tính cạnh tranh để ưu tiên phát triển các hoạt động bền vững. Từ đó, biến những thành tựu đáng kể và trải nghiệm du lịch độc đáo của phân khúc này thời gian gần đây thành nền tảng vững chắc để thu hút các khách sạn thành phố, vốn đang yếu thế hơn, tham gia vào xu hướng bền vững này.

 

Bài viết: Rubix Navigation
Ảnh: Internet
Thiết kế: Rubix Navigation
Tư vấn chuyên môn: Reno Mueller 
08/08/2018